Dự án chuyên môn

[Kiến thức] Làm sao để chọn cho mình một đôi giày chạy ưng ý nhất?

Sang Nguyen
Đăng ngày 24/06/2020
1,040 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Đối với các runner thì giày chạy được xem là một trang bị vô cùng quan trọng. Nhưng trước khi bắt tay vào chọn cho bản thân một đôi giày phù hợp, bạn nghĩ rằng mình đã thực sự am hiểu về chúng chưa? Nếu như vẫn chưa thực sự hiểu rõ về cấu tạo của chúng thì tốt hơn hết nên tìm hiểu về chức năng và ý nghĩa của các bộ phận cấu thành một đôi giày chạy, vì một khi bạn đã nắm vững những kiến thức cơ bản này, thì việc chọn cho mình một đôi giày không phải là chuyện quá khó.

Nhìn đôi giày chạy đơn giản vậy đó nhưng chúng cũng như con người vậy, được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau và mỗi bộ phận đều có một tên gọi và chức năng riêng biệt (Nguồn ảnh: Biji)


Lớp đế tiếp xúc mặt đường hay còn gọi là đế ngoài (outsole)

Phần “đế ngoài” của giày với mục đích chủ yếu là gia tăng độ bám giữa giày và mặt đường, cải thiện độ bền của giày, đồng thời được xem là khu vực giảm sốc trung gian khi tiếp xúc với mặt đường. Để đảm bảo mỗi bước chạy của runner đều có thể phát huy sức mạnh tối đa thì độ bám của đế ngoài được xem là một yếu tố then chốt. Thường thì đế ngoài được làm từ những chất liệu tương đối cứng, có độ bền tốt, đồng thời chống trượt, tuy nhiên trọng lượng của nó cũng tương đối nặng. Chính vì vậy, chúng ta có thể thấy nhiều mẫu giày trong những năm gần đây chỉ chêm thêm chất liệu hỗ trợ vào những khu vực dễ bị bào mòn, thậm chí hợp nhất đế giữa và đế ngoài.

Mẫu giày tham khảo: New Balance Vazee Breathe V2, hình thoi màu bạc ở phần gót giày là miếng đệm cách nhiệt (Nguồn ảnh: Biji)


Linh hồn của giày chạy: đế giữa (midsole)

“Đế giữa” là lớp đế chiếm tổng diện tích lớn nhất của một đôi giày chạy, nằm giữa đế ngoài và thân giày. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là chống sốc, phản lực và duy trì tính ổn định của giày. Khi đôi chân của chúng ta tiếp đất sẽ tạo nên một lực va chạm, lực va chạm này được hấp thu và phân tán bởi đế giữa. Cũng như bộ phận chống sốc của xe hơi, đế giữa có tác dụng giảm lực tác động của địa hình chạy lên chân.

Độ dày mỏng và chất liệu của đế giữa cũng ảnh hưởng đến tính năng giày và cảm giác chạy của người sử dụng, đế giữa càng dày thì hiệu quả giảm sốc và trợ lực càng tốt, tuy nhiên lúc này khoảng cách giữa bàn chân và mặt đường càng xa, cho nên động tác của chân cũng dễ trở nên không linh hoạt, đây chính là vấn đề mà nhiều người quan tâm trong những năm gần đây khi sử dụng các loại giày chạy có đế giữa quá dày. Mỗi thương hiệu giày đều có những thiết kế khác nhau tùy thuộc vào chất liệu sử dụng ở phần đế giữa, nhưng hai chất liệu được sử dụng phổ biến đó là EVA và PU.

Đồng thời, lớp đế giữa trong và ngoài là điểm nhấn kỹ thuật của mỗi thương hiệu giày, ví dụ như lớp đệm khí hoặc miếng nhựa đàn hồi ở lớp đế trong, kết cấu phủ bên ngoài, mật độ phức hợp của các chất liệu, v.v. Sự kết hợp giữa những cấu trúc và chất liệu khác nhau có thể tạo nên những cảm giác chạy khác nhau của cùng một chất liệu cấu tạo nên lớp đế giữa này.

Theo như trong hình trên, phần màu trắng là lớp đế giữa của giày, đảm nhiệm chức năng chống sốc khi chân tiếp xúc với địa hình. (Nguồn ảnh: Biji)


Đặc biệt điểm cần lưu ý ở phần đế giữa đó là sự chênh lệch giữa gót và mũi giày (drop), được tính từ phần gót của đế giữa (nơi dày nhất) đến phần mũi phía trước (nơi mỏng nhất). Thông thường, những đôi giày sở hữu độ chênh lệch drop càng lớn thì phần sau thường có tính năng giảm sốc càng tốt, và càng có thể cung cấp lực hỗ trợ cho runner càng nhiều, đồng thời giảm gánh nặng cho các nhóm cơ bắp chân; ngược lại đối với những đôi giày có độ drop càng nhỏ, thì nhóm cơ bắp chân càng phải hoạt động nhiều hơn, những runner có kỹ thuật tốt thì họ càng có khả năng vận dụng tối đa tính đàn hồi của gân cơ đùi để phát huy ưu thế thể lực và kỹ thuật trong khi chạy, tuy nhiên lúc này tính giảm xung cũng tương đối thấp, nếu như tư thế chạy của bạn không đúng sẽ gây chấn thương.

Đừng quên xem xét độ drop giữa gót và mũi khi chọn mua giày nhé (Nguồn ảnh: Biji)


Nói một cách đơn giản, tính năng chính của một đôi giày chạy đều là kết quả tổng hợp giữa ba yếu tố sau: chất liệu đế giữa, độ chênh lệnh gót - mũi giày(drop) và độ dày mỏng của đế giữa. Đối với những bạn mới nhập môn thì nên chọn những đôi giày có đế giữa giày vừa phải, chất liệu không quá mềm, độ drop khoảng tầm 1cm là được. Sau đó, tùy vào thời gian và cấp độ tập luyện, có thể chuyển sang những dòng giày có độ drop thấp hơn, đế giữa mỏng hơn.


Trợ thủ đắc lực: phần sau gót (heel counter)

“Phần sau gót” vây quanh gót chân của runner, là tấm đệm ở khu vực xung quanh gót chân của giày, nếu dùng tay sờ lên bề mặt giày ở khu vực gót chân bạn sẽ cảm nhận được một lớp đệm cứng và đàn hồi bên trong, heel counter có chức năng cố định gót chân, duy trì vị trí ổn định của gót khi chân chuyển động. Một số giày có phần sau gót tương đối mỏng hoặc lớp phủ ngoài thân giày quá mỏng không thích hợp với những runner có nhu cầu cao độ ôm của giày. Ngoài ra, một số khác lại chêm dày lên để đảm bảo độ ôm của giày, nhưng trong trường hợp chạy bộ giữa tiết trời nắng nóng sẽ dễ làm cho đôi chân nóng nực khó chịu. Cho nên khi mua giày, bạn nên dựa vào hình dáng chân và nhu cầu cá nhân để chọn một đôi giày thích hợp nhất cho bản thân.

Phần sau gót (heel counter) có chức năng cố định gót chân, tránh gót chân trượt tới lui khi chạy (Nguồn ảnh: Biji)


Thân giày trên (upper) đảm bảo sự thoáng khí và bảo vệ đôi chân của bạn

Thân giày trên liên quan đến tính năng thoải mái, ổn định và cảm giác khi mang giày, những đôi giày truyền thống thường chêm thêm một lớp đệm vào phần thân giày trên nhằm cải thiện độ ôm của giày, nhưng ngược lại chúng ảnh hưởng khá lớn đến tính thoáng khí của giày. Trong những năm gần đây, đa phần thân giày trên của giày thể thao thường chỉ phủ một lớp màng mỏng để đảm bảo độ thoáng khí, đồng thời ở những vị trí quan trọng có chêm thêm một lớp TPU để gia tăng độ ôm và tính ổn định của giày.

Thiết kế của giày cũng dần dần thay đổi theo thời gian, hiện nay chúng ta thường thấy bề mặt giày đa phần ít có những đường may hay những điểm nối thắt mà là một thể hợp nhất. Đồng thời mỗi thương hiệu điều có những đặc trưng riêng và thiết kế khác nhau, do đó mỗi dòng giày khác nhau cho chúng ta những cảm giác không hề giống nhau.

Một đôi giày chạy tốt đảm bảo tính thoáng khí, đồng thời đem lại độ thoải mái tối ưu cho đôi chân trong khi chạy (Nguồn ảnh: Biji)


Khi chọn mua một đôi giày, ngoài việc xem xét tính thoáng khí và độ thoái mái của chúng, thì “mũi giày” (Toe box) cũng là một yếu tố không bỏ qua. Mũi giày là phần không gian giữa thân giày và mũi bàn chân, nếu như khu vực này quá hẹp sẽ chèn ép các đầu ngón chân, hạn chế độ hoạt động của các ngón chân, gây khó chịu đồng thời ảnh hưởng đến các chuyển động của chân và gây chấn thương. Trong trường hợp mũi giày quá rộng sẽ tạo không gian di chuyển của các ngón chân và dễ dẫn đến hiện tượng phồng rộp.

Nếu như không có những nhãn mác đặc biệt kèm theo thì đa phần các dòng giày này đều có kích cỡ mũi giày tiêu chuẩn (D). Đối với những loại giày có mở rộng phần mũi giày thì thường thêm một số kí hiệu vào tên gọi của chúng. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế mũi giày, cũng liên quan chặt chẽ với chất liệu sử dụng của thân giày, do đó độ rộng của mũi giày còn tùy thuộc vào qui định nhà sản xuất. Do đó, bạn nên mang loại vớ mà bạn thường sử dụng để thử giày để chọn đôi giày ưng ý nhất cho bản thân.

Chọn những đôi giày có phần mũi giày phù hợp với cấu tạo bàn chân của mình nhất để đảm bảo sự thoái mái cho các ngón chân khi vận động (Nguồn ảnh: Biji)


Nhng chi tiết nh khác cn lưu ý như: Lót trong (inner) và lưỡi gà (tongue)

Lót trong và thân giày là một thể hai mặt, cho nên nó cũng đóng vai trò tương đối quan trọng đối với độ thoải mái của giày, chẳng hạn như lót trong ở khu vực mắt cá chân cần phải đảm bảo tính năng cân bằng và linh hoạt cho chân, đồng thời đem lại cảm giác thoải mái và ôm khít vào mắt cá chân nhằm loại bỏ sự ma sát làm trầy da hoặc sự khó chịu do các vật lạ rơi vào chân gây nên.

Lót trong thoải mái có thể hạn chế sự ma sát giữa hai chân (Nguồn ảnh: Biji)


Lưỡi gà chủ yếu tạo độ khít cho khu vực mu bàn chân, đồng thời là nơi tiếp xúc với hệ thống dây giày. Lưỡi gà thường có những thiết kế mềm mại có tác dụng lấp đầy khoảng trống giữa mu bàn chân và giày. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng bảo vệ mu bàn chân dưới tác động ma sát của dây giày, đồng thời với thiết kế lớp trong đàn hồi nối thành một thể với thân giày có thể hạn chế sự trượt của chân khi vận động dẫn đến dây giày bị nới lỏng trong khi vận động.

Lưỡi giày được thiết kế ở dạng miếng đệm mỏng nhằm đảm bảo độ ôm và sự thoái mái cho mu bàn chân (Nguồn ảnh: Biji)


Lót giày (sockliner)

Lót giày có chức năng hạn chế hoạt động trượt tới lui của lòng bàn chân bên trong giày, gia tăng độ giảm sốc và tính năng hỗ trợ, đồng thời cũng có thể cải thiện cảm giác chạy của giày. Một số thiết kế 3D của lót giày có thể lấp đầy khoảng trống giữa lòng bàn chân với giày chạy, nâng cao độ ôm của giày, đồng thời có thể phòng ngừa trơn trượt. Ngoài chức năng giảm sốc ở đế giữa ra, chất liệu của lót giày cũng có chức năng giảm sốc tương tự, một số giày có thiết kế đặc biệt theo dạng vòm chân hay ở vị trí ngón chân cái có thể gia tăng sự trợ giúp cho đôi chân.

So với đế giữa, lót giày dễ bị xẹp đi sau một thời gian sử dụng, lúc này hiệu suất của chúng cũng giảm đi, cho nên bạn cần phải thay một miếng lót mới để đảm bảo độ thoải mái cho đôi chân khi vận động. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại miếng lót đa chức năng như kháng khuẩn, thoáng khí hoặc khử mùi hôi, v.v, bạn có thể tha hồ lựa chọn tùy theo nhu cầu cá nhân của mình.

Lót giày gia tăng độ ôm tối ưu cho đôi chân và giày chạy của bạn (Nguồn ảnh: Biji)


Đối mặt với những kĩ thuật tân tiến của giày chạy ngày nay, sau khi đọc xong bài viết này, ad tin rằng các bạn cũng phần nào nắm vững một số lưu ý quan trọng trong việc chọn giày thể thao. Vậy thì hãy mạnh dạn ra cửa hàng giày chuyên dụng chọn cho mình một đôi giày chạy ưng ý nhất để tập luyện đi nào!!!


[Nguồn bài viết: Running Biji]